Gọi lại cho tôi Đặt lịch hẹn

Bệnh viêm tủy răng khiến bạn phải chịu những cơn đau nhói đến tận óc. Bệnh thường gặp ở những người bị sâu răng hay tổn thương răng kéo dài mà không được điều trị. Viêm tủy răng không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. 

1.Dấu hiệu bệnh viêm tủy răng

Viêm tủy răng có thể cấp tính hoặc mãn tính, có hoặc không có triệu chứng, hồi phục hoặc không hồi phục trong những tình trạng kéo dài. Dưới đây là những dấu hiệu của viêm tủy răng có thể hồi phục và không thể hồi phục:

Các triệu chứng phổ biến của viêm tủy răng có thể hồi phục là:

  1. Các cơn đau thường nhói và nặng.
  2. Cơn đau ngắn (đau kéo dài khoảng 5-10 phút) và nhanh chóng giảm sau khi loại bỏ các kích thích.
  3. Có phản ứng với nóng, lạnh hoặc ngọt ngay lập tức.
  4. Cơn đau không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi vị trí của cơ thể.

Các triệu chứng của viêm tủy răng không thể phục hồi gồm:

  1. Có các cơn đau nhói.
  2. Cơn đau tự phát và có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ.
  3. Ở giai đoạn đầu, cơn đau có thể hình thành một cách tự nhiên hoặc từ kích thích do nóng hoặc lạnh. Giai đoạn sau, những cơn đau xảy ra chỉ khi tiếp xúc với nóng nhưng giảm đau khi gặp lạnh.
  4. Cơn đau bị ảnh hưởng bởi vị trí cơ thể.
  5. Ở các giai đoạn sau, cơn đau có thể ảnh hưởng tới dây chằng quanh răng và các cơn đau khu trú.
  6. Các cơn đau thường nặng hơn vào ban đêm.

2.Nguyên nhân của bệnh viêm tủy răng

Bệnh viêm tủy răng bắt nguồn từ bệnh sâu răng, sâu răng gây ê buốt khi có nóng, lạnh, chua, ngọt. Nếu trong giai đoạn này răng sâu được chữa trị kịp thời thì sẽ tránh được bệnh tủy răng.

Khớp cắn bị sai lệch sẽ là điều kiện cho vi khuẩn hoạt động. Và gây ra các bệnh lý răng miệng trong đó có tình trạng bệnh lý viêm tủy răng.

Viêm tủy răng còn có thể do các nguyên nhân khác như vỡ hay mẻ răng, do chấn thương làm đứt mạch máu nuôi tủy răng, mòn răng quá nhiều, viêm tủy do viêm quanh răng.

3.Các biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm tủy răng

Viêm tủy răng phần lớn bắt nguồn từ những tổn thương trên bề mặt răng. Vi khuẩn gây hại trong khoang miệng gặp được điều kiện thuận lợi như mảng bám, thức ăn thừa mắc kẹt lại trên răng.

Chúng sẽ sử dụng những thức ăn này làm nguồn dinh dưỡng để chuyển hóa thành axit và bào mòn men răng. Đi qua được lớp men răng, vi khuẩn sẽ bắt đầu phá hủy lớp ngà răng. Đến khi lớp ngà răng bị hủy hoại, vi khuẩn bắt đầu xâm nhập vào bên trong gây viêm tủy răng.

Ở giai đoạn đầu là giai đoạn phát triển lặng lẽ của bệnh. Bạn hầu như sẽ không cảm thấy cơn đau do viêm tủy răng gây nên. 

Những cơn đau trong giai đoạn này của bệnh chủ yếu xảy ra vào ban đêm, đau âm ỉ ở một khu vực và bạn khó có thể phát hiện được chính xác cơ đau phát ra từ chiếc răng nào.

Đến giai đoạn tiếp theo, cơn đau ngày càng xuất hiện nhiều hơn với cường độ ngày một lớn. Bệnh từ viêm tủy răng cấp tính sẽ chuyển sang giai đoạn viêm nhiễm mãn tính. 

Lúc này ngay cả việc ăn uống, sinh hoạt hằng ngày cũng khiến bạn bị đau đớn. Mất ngủ, mất ăn vì đau đớn là điếu khó tránh khỏi đối với người bị viêm tủy răng mãn tính.

 Khi chuyển sang giai đoạn cuối, tủy sẽ dần dần bị thối và chết đi, đây còn được gọi là tình trạng hoại tử của tủy. Khi đó, không chỉ đau đớn mà người bệnh còn có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng nặng nề, trong đó phải kể đến:

+Viêm nhiễm vùng xương hàm: Sau khi hoại tử, các chất chứa trong tủy răng mang theo mầm bệnh sẽ thoát ra phía ngoài ống tủy và lỗ chân răng gây nên những bệnh vùng chân răng như viêm chân răng. Dần dần các cấu trúc nâng đỡ răng sẽ bị phá hủy, có thể dẫn tới viêm xương hàm.

+Nang chân răng: Trái lại với tình trạng trên, các chất hoại tử nếu không thoát ra bên ngoài sẽ tụ lại ở chân răng tạo nên u hạt, nang chân răng, tạo nên các ổ mủ trên nướu khiến người bệnh khó chịu.

+Mất răng: Đây là biến chứng nguy hiểm của viêm tủy răng. Vi khuẩn sau khi phá vỡ các cấu trúc bảo vệ và nâng đỡ răng, hủy hoại các mạch máu khiến răng không còn được nuôi dưỡng bởi cơ thể. Răng sẽ xỉn màu và rụng đi.

+Bệnh liên quan tới tim mạch, hệ hô hấp: Có nhiều nghiên cứu tại Mỹ chỉ ra rằng có mối liên hệ trực tiếp giữa vi khuẩn gây hại cho răng với các bệnh tim mạch và hô hấp. Sau khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tủy gây viêm tủy răng, chúng sẽ theo đường máu và di chuyển tới các cơ quan khác trong cơ thể để gây bệnh, trong đó có tim và phổi.

4.Cách điều trị bệnh viêm tủy răng

Bệnh viêm tủy răng chỉ có thể được điều trị một cách triệt để nhất tại bác sĩ nha khoa mà thôi, bất kỳ một phương pháp chữa bệnh dân gian nào cũng chỉ có thể giúp làm giảm cơn đau nhức do viêm tủy răng gây ra mà không thể trị dứt điểm được bệnh.

Khi nhận thấy răng có khả năng bị viêm tủy thì các bạn cần đến ngay nha khoa để các bác sĩ chụp phim X – Quang để xác định tình trạng viêm tủy đã phát triển đến giai đoạn nào, từ đó sẽ có những cách điều trị bệnh viêm tủy răng một cách phù hợp.

Với những trường hợp mới viêm tủy, đau ít thì có thể theo dõi tủy răng, nếu răng bị sâu thì cần làm sạch ngà mủn vì ngà mủn có nhiều vi khuẩn rồi trám kín bằng hydroxit canxi, tránh kích thích nóng, lạnh, chua, ngọt. 

Nếu đau giảm thì không cần lấy bỏ tủy răng, thời gian theo dõi khoảng 6 tháng, phương pháp này gọi là trám theo dõi.

Nếu đau tăng lên, phải cần lấy tủy càng sớm càng tốt, để tránh gây đau nhức và những biến chứng khác quanh răng. 

Trước khi lấy tủy, bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ, quanh chân răng và khoang tủy, sau đó khoan mở tủy, lấy sạch tủy và tạo hình hệ thống ống tủy để các ống tủy có hình thuôn, thích hợp cho việc trám kín, bít lỗ ống tủy sau này và răng sẽ được phục hình lại bằng phương pháp trám hoặc bọc răng sứ thẩm mỹ.

5.Cách phòng ngừa bệnh viêm tủy răng

Chúng ta đều biết là viêm tủy răng do vi khuẩn tấn công vào tủy qua tổn thương do: sâu răng, gãy răng, gãy gốc răng, mòn chân răng, thay đổi áp suất môi trường… Vì vậy, để phòng tránh viêm tủy răng chúng ta cần:

Điều trị những tổn thương của răng do sâu răng

Giai đoạn tốt để đi trám răng sâu ngừa viêm tủy răng là giai đoạn đã hình thành lỗ sâu thực thụ, tuy vậy lỗ sâu nhỏ và chưa có các biểu hiện ê buốt. Bạn cũng cần theo dõi xem có bị viêm tủy răng không trước khi hàn. Nếu sâu răng ở giai đoạn muộn, nguy cơ viêm tủy răng sau khi hàn khi cũng cao hơn so với việc hàn răng ở giai đoạn đầu.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần xử lý các tổn thương khác của răng như mòn chân răng, gãy răng… để phòng viêm tủy răng.

Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày

Đánh răng 2 lần/ngày là điều quan trọng sẽ giúp ngăn ngừa vi khuẩn gây các bệnh răng miệng, trong đó có viêm tủy răng.

Sử dụng chỉ nha khoa để vệ sinh kẽ răng

Chỉ nha khoa giúp lấy sạch những mảng bám thức ăn còn xót lại trong kẽ răng mà bàn chải đánh răng thông thường không thể làm sạch được.

Tốt nhất nên dùng chỉ nha khoa 1 lần/ngày vào buổi tối sau khi ăn, chỉ nha khoa giúp làm sạch thức ăn thừa trong răng giúp ngăn ngừa sự hình thành và phát triển của vi khuẩn gây viêm tủy răng.

Sử dụng nước súc miệng sau khi đánh răng

Thường xuyên sử dụng nước súc miệng có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn, loại bỏ những mảng bám, ngăn chặn các vấn đề phát sinh về răng miệng, trong đó có bệnh viêm tủy răng. Nước súc miệng còn làm cho hơi thở được thơm mát hơn.

Kiểm tra răng miệng theo định kì

Gặp nha sĩ theo định kì 2 lần/năm là điều cần thiết để giúp ngăn ngừa viêm tủy răng. Điều này sẽ giúp hạn chế được sự hình thành bệnh ở mức độ nặng.

Bạn đang xem bài viết thuộc chuyên mục:

Đến với Công ty TNHH Nha Khoa SÀI GÒN B.H, bạn không còn lo lắng về sức khỏe răng miệng và vẻ đẹp cho nụ cười. Hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin bên dưới: